Ngô và đậu tương giảm, lúa mì tăng
Giá đậu tương trên sàn Chicago giảm vào thứ Tư khi dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy tiến độ trồng trọt nhanh và nhu cầu chậm. Trong khi đó, giá lúa mì tăng nhẹ.
Giá đậu tương kết thúc phiên giảm 14 US cent xuống 10,48-1/2 USD/bushel; giá lúa mì tăng 1-3/4 US cent lên 5,30-1/4 USD/bushel và ngô Cv1 giảm 8-1/2 US cent xuống 4,51 USD/bushel.
Ngô giảm do nguồn cung toàn cầu dồi dào. Điều kiện thời tiết thuận lợi tại các vùng trồng trọng điểm ở Mỹ và Nam Mỹ đã tạo ra một vụ mùa bội thu, khiến các nhà đầu tư lo ngại về tình trạng dư cung.
Yếu tố càng làm tăng thêm áp lực lên giá ngô chính là nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới - đang có dấu hiệu chững lại. Các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang tăng cường sử dụng nguồn ngô nội địa và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, tạo ra một cú sốc cầu đáng kể cho thị trường quốc tế.
Xu hướng chung của lúa mì trong năm 2025 vẫn là giảm giá do chu kỳ cung-cầu toàn cầu đang trong giai đoạn dư cung. Các quốc gia sản xuất lớn như Nga, Ukraine và Australia đều báo cáo sản lượng thu hoạch vượt kỳ vọng, tạo áp lực không nhỏ lên giá.
Có ba yếu tố chính đang hỗ trợ giá đậu tương: Thứ nhất, thị trường bã đậu tương đang có nhu cầu tăng mạnh từ ngành chăn nuôi. Thứ hai, đồng USD yếu đi khiến hàng hóa Mỹ trở nên hấp dẫn hơn với người mua quốc tế. Thứ ba, và có lẽ quan trọng nhất, là kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm nối lại đàm phán thương mại với Mỹ, mở ra triển vọng tăng nhập khẩu trong thời gian tới.
Đồng giảm do USD tăng
Giá đồng giảm vào thứ Tư do đồng USD mạnh lên và dấu hiệu nhu cầu nhập khẩu chậm lại ở Trung Quốc, mặc dù nguồn cung tới các kho trong hệ thống Sàn giao dịch kim loại London chậm lại.
Hợp đồng đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn kim loại London (LME) giảm 0,4% xuống 9.553 USD/tấn vào lúc 16:03 GMT, sau khi đạt mức cao nhất trong hai tuần là 9.655 USD vào đầu phiên.
Lượng hàng tồn kho đang giảm tại các kho đã đăng ký với sàn LME, giảm 43% kể từ giữa tháng 2 xuống 154.300 tấn, mức thấp nhất trong gần một năm.
Tuy nhiên, giá đồng tại cảng Yangshan (Trung Quốc) đã giảm 5% xuống 89 USD/tấn vào thứ Tư, mức thấp nhất kể từ ngày 24 tháng 4, báo hiệu nhu cầu nhập khẩu giảm ở nước tiêu thụ hàng đầu thế giới này.
Cà phê giảm, robusta thấp nhất 5,5 tháng
Giá cà phê giảm do nguồn cung tăng lên theo tiến độ thu hoạch vụ mùa mới ở Brazil và Indonesia, trong khi thị trường đang có xu hướng giảm về mặt kỹ thuật sau hiệu suất yếu kém gần đây.
Giá cà phê Robusta giảm 104 USD, tương đương 2,2%, xuống 4.592 USD/tấn vào lúc kết thúc phiên, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất trong 5 tháng rưỡi là 4.534 USD. Cà phê Arabica giảm 2,7% xuống 3,5195 USD/lb.
Theo các chuyên gia, giá cà phê nội địa tiếp tục giảm, chịu áp lực từ nguồn cung dồi dào và xu hướng giảm của Robusta trên sàn quốc tế. Dù Arabica tăng nhẹ, tín hiệu phục hồi chung vẫn chưa rõ ràng.
Do đó, người trồng nên theo dõi sát diễn biến giá để chọn thời điểm bán hàng, đồng thời lưu ý chi phí vận chuyển khi giá nhiên liệu chưa hạ nhiệt. Trong ngắn hạn, giá cà phê có thể tiếp tục chịu áp lực nếu nguồn cung toàn cầu không có biến chuyển đột biến.
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, việc xuất khẩu cà phê từ Việt Nam cũng gặp khó khăn do nhiều yếu tố. Các cảng ở Bắc Âu đang bị tắc nghẽn vì thiếu lao động và giao thông đường thuỷ gặp khó khăn do mực nước thấp đã ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển. Đồng thời, cước tàu cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây vì Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sau khi Mỹ hoãn áp thuế 145%, khiến việc đặt tàu vận chuyển trở nên khó khăn hơn.
Đường thấp nhất gần 4 năm
Giá đường thô giảm xuống mức thấp nhất gần bốn năm trong bối cảnh thời tiết toàn cầu có lợi cho việc phục hồi sản lượng, với thời tiết khô hạn ở Brazil thúc đẩy tốc độ thu hoạch nhanh hơn, trong khi thời tiết ẩm ướt hơn ở Ấn Độ và Thái Lan giúp phát triển các vụ mía.
Đường thô trên sàn New York giảm 0,32 cent, hay 1,9%, xuống 16,90 cent/lb, sau khi có lúc ở mức chỉ 16,85 cent, thấp nhất kể từ giữa tháng 7 năm 2021. Đường trắng trên sàn London giảm 2,3% xuống 471,40 USD/tấn.
Bạc tăng trở lại
Chỉ số USD tăng 0,3% đã gây áp lực lên các tài sản định giá bằng đồng bạc xanh, khiến bạc trở nên đắt đỏ hơn với người mua quốc tế và làm giảm nhu cầu.
James Hyerczyk, nhà phân tích thị trường tại FX Empire nhận định: "Động lực khiến USD tăng giá đến từ lập trường mềm mỏng hơn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề thuế quan với châu Âu. Qua đó hỗ trợ thị trường chứng khoán và làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản trú ẩn như và bạc".
Vị chuyên gia cho biết, thị trường hiện đang chờ đợi các phát biểu từ quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng với báo cáo lạm phát PCE lõi sắp công bố. Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 47 điểm cơ bản vào cuối năm, với đợt đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 10.
"Nếu dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến hoặc các phát biểu từ FED có giọng điệu ôn hòa, thị trường có thể chứng kiến lực mua trở lại với nhóm kim loại quý", James Hyerczyk nói.