03/06/2025

Giá đậu tương thấp nhất 7 tuần, ngô giảm, lúa mì tăng

“Mối lo về nhu cầu đậu tương tiếp tục là yếu tố gây sức ép giảm giá,” một thương nhân dầu hạt có trụ sở tại Singapore cho biết. “Thời tiết hiện tại ở Mỹ rất thuận lợi cho cây trồng, vì vậy thị trường không quá lo ngại về triển vọng sản lượng.”

Thị trường đậu tương đang chịu tác động tiêu cực từ điều kiện thời tiết lý tưởng tại vùng Trung Tây nước Mỹ, làm gia tăng kỳ vọng về nguồn cung dồi dào trong vụ mùa năm nay.

Ngoài ra, những bất ổn xung quanh chính sách nhiên liệu sinh học tại Mỹ cũng làm giảm nhu cầu đối với đậu tương – nguyên liệu chính dùng trong sản xuất dầu diesel sinh học. Theo một báo cáo độc quyền của Reuters, Nhà Trắng đang xem xét kế hoạch giải quyết tồn đọng kỷ lục các đề nghị miễn trừ nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học từ các nhà máy lọc dầu nhỏ.

Theo khảo sát của Reuters trước báo cáo hàng tháng từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đậu tương nghiền tại Mỹ trong tháng 4 được dự báo đạt khoảng 6,055 triệu tấn ngắn (tương đương 201,8 triệu giạ).

Ở chiều ngược lại, giá lúa mì nhận được hỗ trợ khi USDA tuần trước bất ngờ hạ đánh giá chất lượng vụ lúa mì đông tại Mỹ. Cụ thể, chỉ 50% diện tích được xếp hạng tốt đến xuất sắc – giảm so với mức 52% của tuần trước đó, trái ngược với kỳ vọng tăng nhẹ của giới phân tích.

 

Giá đồng tăng

Giá đồng tăng, trong bối cảnh có những đồn đoán về khả năng áp thuế nhập khẩu mới, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi đối với nhôm và thép nhập khẩu lên 50%.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,2% lên 9.607 USD/tấn.

Giá đồng trên sàn Comex tăng 4% lên 4,8625 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 4,9495 USD/lb – cao nhất kể từ ngày 3/4/2025.

Giá đồng tăng còn được hỗ trợ bởi tồn trữ đồng tại London giảm 45% xuống 148.450 tấn – thấp nhất gần 1 năm.

Đồng USD giảm khiến kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng sử dụng tiền tệ khác. Đồng USD giảm sau số liệu sản xuất của Mỹ giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 5/2025.

 

Bạc bật tăng

Trên thị trường thế giới, giá bạc niêm yết trên Goldprice.org ở ngưỡng 33,01 USD/ounce.

Mặc dù thiếu động lực rõ ràng để thúc đẩy thị trường, bạc vẫn nhận được hỗ trợ từ lo ngại về tình hình tài chính của Mỹ và nhu cầu công nghiệp toàn cầu.

James Hyerczyk, nhà phân tích thị trường tại FX Empire đánh giá: "Thị trường đang hướng tới các dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này, như chỉ số sản xuất ISM và báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ.

Những con số về thị trường lao động sẽ được theo dõi chặt chẽ nhằm đánh giá rủi ro lạm phát và khả năng thay đổi chính sách của FED. Ngoài ra, các bài phát biểu của một số quan chức FED cũng có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới".

Vị chuyên gia cho biết, hiện tại, bạc vẫn có nền tảng hỗ trợ nhờ lạm phát hạ nhiệt, triển vọng thương mại tích cực và những lo ngại tài chính chưa được giải quyết.

 

Giá cà phê robusta thấp nhất 7 tháng

Lo ngại về nguồn cung đã giảm bớt tại Brazil và Indonesia – hai quốc gia sản xuất robusta lớn thứ hai và thứ ba thế giới, nơi dự báo thời tiết hiện đang thuận lợi.

Vụ thu hoạch robusta năm 2025 của Brazil đang tiến triển tốt với sản lượng cao và có khả năng vượt qua ước tính ban đầu. Vụ thu hoạch 2025 của Brazil sẽ có quy mô tương đương năm 2024, đồng thời lưu ý rằng lượng tồn kho hiện tại rất thấp trước khi các lô cà phê vụ mới bắt đầu được đưa vào kho. Vụ cà phê ở Indonesia đã bắt đầu thu hoạch từ tháng 4/2025 với sản lượng dự kiến 10 triệu bao, trong đó, khoảng 7 triệu bao là cà phê robusta.

Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho biết, tính đến quý I/2025, Malaysia nhập khẩu cà phê đạt 22.300 tấn, trị giá 132,3 triệu USD. Con số này tăng 6% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Việt Nam duy trì là nguồn cung cà phê số 1 cho Malaysia và còn tăng thị phần nhẹ từ 36,8% lên 36,9% bất chấp giá cà phê của Việt Nam tăng mạnh nhất trong các nguồn cung. Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang các thị trường gần, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc nhờ chi phí vận chuyển thấp, văn hóa tiêu dùng tương đồng.

 

 

errrequired EmailFormat